Thống kê và các kỷ lục Khoa bảng Việt Nam

Trong các khoa thi suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, có những dấu mốc và kỷ lục đáng lưu ý[78]:

  • Vị khai khoa đầu tiên là Lê Văn Thịnh, đỗ năm 1075 đời Lý Nhân Tông, sau làm tới Thị lang Bộ Binh rồi Thái sư.
  • Danh vị Tam khôi đầu tiên được ghi nhận trong chính sử là Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Bảng nhãn Lê Văn Hưu, Thám hoa Đặng Ma La, đỗ khoa 1247 đời Trần Thái Tông. Cả ba ông cũng đồng thời giữ danh vị Tam khôi trẻ nhất lịch sử với Nguyễn Hiền 13 tuổi, Lê Văn Hưu 17 tuổi và Đặng Ma La 14 tuổi.
  • Danh vị Tam khôi cuối cùng được ghi nhận là Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Bảng nhãn Phạm Quang Trạch, Thám hoa Quách Giai, đỗ năm 1683 đời Lê Hy Tông.
  • Khoa thi có Tam khôi già nhất là khoa 1637 đời Lê Thần Tông: Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính 50 tuổi, Bảng nhãn Nguyễn Nghi 61 tuổi, Thám hoa Nguyễn Thế Khanh 37 tuổi.
  • Trạng nguyên già nhất là Nguyễn Nghiêu Tư, đỗ lúc 65 tuổi năm 1448 đời Lê Nhân Tông.
  • Bảng nhãn già nhất là Nguyễn Nghi, đỗ khoa 1637 đời Lê Thần Tông khi 61 tuổi.
  • Thám hoa già nhất là Giang Văn Minh đỗ khoa 1628 đời Lê Thần Tông khi 56 tuổi.
  • Trạng nguyên cuối cùng là Trịnh Tuệ (hay Trịnh Huệ) đỗ năm 1736 đời Lê Ý Tông tại khoa thi Đình tổ chức ở phủ chúa Trịnh.
  • Bảng nhãn cuối cùng là Vũ Duy Thanh đỗ khoa 1851 đời Tự Đức.
  • Thám hoa cuối cùng là Vũ Phạm Hàm, đỗ khoa năm 1892 đời vua Thành Thái. Khoa này không lấy ai đỗ Trạng nguyên cũng như Bảng nhãn.
  • Khoa thi Mậu Tuất 1478 đời Lê Thánh Tông lấy đỗ hai bảng nhãn là Lê Quảng ChíTrần Bích Hoành.
  • Khoa thi Quý Sửu 1853 đời Tự Đức lấy đỗ 2 thám hoa là Nguyễn Đức ĐạtNguyễn Văn Giao.
  • Tiến sĩ trẻ nhất là Nguyễn Trung Ngạn, đỗ năm 1304 đời Trần Anh Tông khi mới 16 tuổi. Tiến sĩ già nhất là Nguyễn Bình, đỗ năm 1628 đời Lê Thần Tông khi 87 tuổi.
  • Nữ tiến sĩ duy nhất là Nguyễn Thị Duệ đỗ năm 1616 đời Mạc Kính Cung (thời nhà Mạc rút lên Cao Bằng) khi ngoài 20 tuổi.
  • Sĩ tử cao tuổi nhất là Vũ Đình Thự dự khoa Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (năm 1900) khi đã 84 tuổi. Cụ đỗ Cử nhân, đứng thứ 62 trong số 90 Cử nhân của trường Hà Nội - Nam Định (năm đó 2 trường Hà Nội và Nam Định thi chung, trường Hà Nội lấy đỗ 43 người, Nam Định 47 người). Cụ Đoàn Tử Quang cũng đỗ năm đó, đứng thứ 29 trong số 30 Cử nhân trường Nghệ An, khi 82 tuổi, vẫn còn kém cụ Vũ Đình Thự 2 tuổi. Sau này ông mất năm 1928, thọ 110 tuổi.[79]
  • Nhà Hồ là triều đại quy định thi cử qua nhiều vòng nhất: người đỗ kỳ thi Hương năm sau phải vào Bộ Lễ thi lại, có đỗ mới được tuyển; năm sau nữa mới được thi Hội, qua được kỳ này mới được gọi là Thái học sinh (tiến sĩ). Kỳ thi thứ 5 là thi viết và toán.
  • Khoảng thời gian dài nhất không lấy được người đỗ Trạng nguyên là từ năm 1743 đến 1785 thời Lê Hiển Tông. Trong 42 năm có 16 khoa thi nhưng không có trạng nguyên vì triều đình cho rằng không có người xứng tầm với học vị đó.
  • Bia Tiến sĩ được dựng lần đầu năm 1484 đời Lê Thánh Tông tại sân Quốc tử giám.
  • Lệ xướng danh người đỗ để biểu dương người học giỏi thực hiện lần đầu năm 1466 đời Lê Thánh Tông.